Mạng xã hội
Facebook
Google Plus
Twitter
Thống kê
  • Đang truy cập : 5
  • Ngày hôm qua : 147
  • Hôm nay : 26
Video
Quảng cáo

Về Ngọc Tiên xem đánh lửa, gánh bếp thổi cơm thi

Viết bởi Xuân Hồng vào lúc 20:09:14 12/09/2014


NDĐT - Đánh lửa chỉ bằng hai thanh tre, vừa gánh bếp vừa nấu cơm, làm cỗ, têm trầu... là môn thi quan trọng trong hội làng Ngọc Tiên xã Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định), đây cũng là nét đặc sắc độc đáo làm nên đặc trưng của hội làng Ngọc Tiên cuốn hút du khách thập phương.


Thổi lửa đốt cờ hiệu lệnh
Truyền tích của hội làng

Về làng Ngọc Tiên những ngày cận rằm tháng Giêng đâu đâu cũng thấy một không khí rạo rực chuẩn bị cho ngày hội làng. Những lo toan thường nhật từ cơm áo, gạo tiền đến công việc đồng áng đều được gác lại, những người đi làm ăn xa cũng tranh thủ nán lại sau kỳ nghỉ Tết hoặc xếp sắp công việc để về sao cho kịp ngày hội làng. Nhộn nhịp nhất vẫn là nhà các trưởng phe – những người được đội tín nhiệm giao cho trọng trách đứng đầu chỉ đạo các hoạt động của đội mình để chuẩn bị cho các phần thi của hội làng, cũng là nơi để các thành viên trong đội tập duyệt trước giờ thi đấu.

Ông Bùi Chí Dũng, Trưởng phe giáp Đông Đoài (xóm Đông Đoài) phấn khởi khoe chiếc chõ đồng cổ thất lạc lâu năm mới được tìm lại cho biết: Mọi công đoạn đã chuẩn bị khá tươm tất chỉ chờ đến giờ “G” để được thi tài.

Những người già trong làng kể lại rằng: làng Ngọc Tiên, xưa là vùng bãi bồi ven biển thuộc trấn Sơn Nam hạ. Vào thời Hậu Lê, triều đình cử một vị tướng tài là Hoàng Văn Quảng về chiêu mộ quân sĩ dẹp giặc trấn biên, ổn định cuộc sống. Nhờ tài thao lược “Chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương” của ông mà nhân dân ở đây được hưởng cuộc sống thái bình no đủ.

Năm 1743, vua Lê Cảnh Hưng ban sắc cho ông là “Thông huyền chế cảm Linh thánh Đại vương tiên hiệu Quảng”. Tri ân công đức của ông, dân làng Ngọc Tiên tôn ông làm Thành hoàng làng, lập đền thờ và lấy ngày mười, rằm tháng Giêng làm ngày chính kỵ.

Hằng năm vào ngày này, dân làng nổi chiêng, trống, rước kiệu, tế thần linh cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Sau phần chính lễ, chính hội diễn ra với tâm điểm là tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng thánh với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Đức Thánh tổ dấy binh trấn ấp, thiếu thốn mọi bề, vừa hành quân, vừa lo hậu cần và phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói.

 

Tục thổi cơm thi với nhiều nét văn hóa cổ truyền.

Những nét đặc sắc của tục thổi cơm thi

Tục thổi cơm thi trong hội làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước, tạo lửa, đến thổi cơm làm bánh.

Trước ngày vào đám, tất cả các giáp đều cử người mang dụng cụ thi đấu là bộ chõ đồ, nồi đồng điếu, quang gánh, cần trúc, bát đĩa…từ thời cổ xưa để lại ra lau chùi, sửa sang cho thật sạch sẽ, thanh tịnh.

Tham dự hội làng có 6 giáp, được chia theo đơn vị xóm. Mỗi giáp phải có đủ 14 người đều là nam giới, tuổi từ 18 trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gia đình toàn vẹn, không vướng tang ma.

Xưa kia, đỗ, gạo thổi cơm, đồ xôi, làm bánh phải được trồng riêng trên phần ruộng huệ điền. Quá trình trồng cấy, thu hoạch, bảo quản gạo, đỗ đều do tay các lão nông đảm nhận. Việc lấy nước, tạo lửa để nấu cơm cũng do nam giới làm. Phụ nữ không được phép tham gia vào bất cứ phần việc nào của phần chính lễ và chính hội.

Để bắt đầu phần thi thổi cơm và làm cỗ chay, các giáp phải trải qua hai phần thi địch thủy và địch hỏa (lấy nước và lấy lửa). Ở phần thi địch thủy, mỗi giáp cử ra hai người, tay cầm một chiếc nậm nhỏ, đồng loạt chạy ra bến Cựa gà, lội ra giữa dòng sông Ninh lấy cho đầy nậm nước mang về đổ vào nồi đáy của chõ đồ. Trong quá trình chạy rước nước, ngón tay cái của người rước nước phải bịt chặt miệng nậm để nước khỏi sánh ra ngoài. Ai mang nước về nhanh nhất, không làm vương vãi nước dọc đường là người thắng cuộc.

Phần thi địch hỏa được coi là gay cấn, lôi cuốn sự chú ý và tạo tâm lý hồi hộp không chỉ đối với người dự thi, dân làng mà còn cả với khách thập phương tham dự. Các đội phải vượt qua được phần thi này mới được tiếp tục tham dự ở vòng kế tiếp. Bởi thế, người chọn tham gia phần thi này giữ một trọng trách rất lớn, phải thao tác nhanh, dứt khoát, tạo lửa khéo và đốt cờ hiệu chính xác.

Mỗi giáp vào dự thi mang theo một bộ dụng cụ địch hỏa gồm một thanh cái đặt cố định dưới đất được làm bằng tre bánh tẻ, đường kính khoảng 4cm, đã tách rời làm đôi tạo kẽ hở cho mùn rơi xuống trong quá trình kéo lửa. Thanh tre khác dài, mỏng gọi là thanh con (hay thanh dao) được tạo bởi gốc cây tre già, dùng để cọ sát vào thanh cái.

Anh Đặng Văn Bằng - người tham gia đánh lửa phe Đông Đoài cho biết: “Bí quyết chắc thắng trong phần thi này là dụng cụ địch lửa phải được làm từ cây tre chết bụi, lại phải gác bếp thêm ba tháng nữa mới sử dụng được".

Khi vào cuộc 12 người của 6 giáp xếp thành hàng ngang, tất cả nín thở, dùng lực cọ sát hai thanh tre vào nhau tạo ra một lớp mùn mịn. Mùn cưa vón cục, gặp ma sát lớn tạo thành lửa. Nhưng lúc này lửa chỉ là một đốm than hồng, người kéo lửa phải khéo hà hơi để lửa bén vào bùi nhùi rơm bùng lên thành ngọn lửa lớn. “Hà hơi cũng đòi hỏi phải có công phu nếu hà hơi quá mạnh dễ làm tắt lửa”- anh Bằng cho biết thêm.

Khi lửa bùng cháy, cả sân đền mới vỡ òa tiếng reo hò cổ vũ của dân làng và du khách tham dự. Vận động viên địch lửa giơ cao ngọn lửa do mình tạo ra, đốt cờ lệnh báo hiệu phần thi của mình đã hoàn tất rồi cùng dân làng rước lửa về sân nấu cỗ, châm bếp bắt đầu phần thi làm bánh, thổi cơm trong tiếng hò reo cổ vũ tưng bừng.

Qua giai đoạn khó khăn nhất là đến lúc cánh trai làng thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay ngày thường chỉ quen cầm cày cuốc và làm các công việc nặng nhọc để nấu cơm thi và làm cỗ cúng thành hoàng làng

Theo quy định một mâm cỗ dành để cúng thành hoàng làng phải có đủ bốn loại bánh (bánh ống, bánh bìa, bánh phong, bánh giáo); một bát chè đường; quả bòng (quả bưởi), nậm rượu, bát cơm nồng và một đĩa xôi. Để chế biến mỗi món trên mâm cỗ cúng có những yêu cầu riêng rất khắt khe như: Cơm phải nấu bằng niêu đồng. Người thổi cơm, đeo trên vai một chiếc cần trúc (loại cây trúc được uốn cong thành hình chữ S từ khi mới vượt khỏi mặt đất, rất dẻo dai và bền chắc). Vì vậy người thi phải làm sao giữ cho niêu cơm cố định, giữ lửa cho cơm chín, vừa đi vừa nấu, theo sau là cả đoàn rước khua chiêng, gõ trống tưng bừng. Khi vào cuộc, vòng cong lớn của cần trúc ép vào dọc sống lưng người chơi và cố định lại bằng một dải lụa điều. Phần cong nhỏ vắt qua vai để treo quang sắt, cố định chiếc nồi đồng điếu bên trong. Hai tay cầm hai bó đuốc hơ đáy nồi cơm cho chín. Người nấu cơm phải ước lượng nên gia lửa, hãm lửa lúc nào để cho cơm sôi bùng, hạt gạo ngậm no nước, chín đẫy hơi thì cơm mới nục. Đến khi cơm sôi, hai bó đuốc được dồn cả về một bên tay, tay còn lại cầm một chiếc móc vừa mở vung nồi, vừa quay đầu kia lại ghế cơm. Đây cũng là lúc người thi nhìn hạt gạo để điều tiết lửa sao cho cơm vừa chín tới đạt yêu cầu không khô, không hấy, đơm đủ một bát cơm lồng góp vào mâm cơm cúng thánh. Để hoàn thành tốt phần thi này, người dân làng phải chuẩn bị rất công phu từ chiếc cần trúc treo niêu cơm đến việc làm quen với cách ước lượng sao cho đủ nước, đủ lửa, cơm chín nục, dẻo thơm trong thời gian đi chọn ba vòng rước quanh sân đền bất luận tiết trời đầu xuân có mưa bụi giăng mắc, có rét đài, rét lộc ghé qua.

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Nguyễn Minh Oanh vẫn tham gia Trưởng ban tổ chức hội thi, ông cho biết: “Hội làng Ngọc Tiên là lễ hội truyền thống của làng. Vào ngày này hằng năm chúng tôi tổ chức các cuộc thi để cúng thành hoàng làng, cầu một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa đồng thời là dịp để con dân làng ôn lại truyền thống quê hương”.

Hội làng năm nay cũng là trùng với ba mốc lịch sử đáng nhớ của làng: kỉ niệm 100 năm đình làng được khôi phục lại vào năm 1914, 60 năm ngày dân làng dựng lại nhà tổ của làng sau khi bị thực dân Pháp chiếm làm đồn bốt vào những năm 1951-1954 và 30 năm ngày khôi phục lại lễ hội truyền thống. Ngoài tục thổi cơm thi hằng năm, là ngày mở hội, các cụ già từ 70 tuổi trở lên sẽ được rước lên chùa làm lễ thượng thọ. Hội làng được bắt đầu vào ngày kéo dài cho đến hết ngày mười năm. Sau ngày này dân làng mới bắt tay vào làm việc và an tâm đi làm ăn xa - ông Oanh cho biết thêm.

 

Lễ hội chùa Ngọc Tiên được tổ chức vào ngày mười rằm tháng Giêng hằng năm.

Các bài trong cùng chuyên mục :