Mạng xã hội
Facebook
Google Plus
Twitter
Thống kê
  • Đang truy cập : 3
  • Ngày hôm qua : 101
  • Hôm nay : 58
Video
Quảng cáo

Về Ngọc Tiên xem trai làng trổ tài nghĩa lính

Viết bởi Xuân Hồng vào lúc 20:09:55 12/09/2014


Nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức Thành hoàng làng đã có công dấy binh, lập ấp nên hằng năm cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, trai làng Ngọc Tiên (Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) lại nô nức tham dự lễ hội nấu cơm... tái hiện cảnh quân cơ thiếu thốn trăm bề của nghĩa binh một thủa.

Chuyện kể rằng: làng Ngọc Tiên xưa là vùng bãi bồi ven biển thuộc trấn Sơn Nam hạ. Vào thời Hậu Lê, triều đình cử một vị tướng tài là Hoàng Văn Quảng về chiêu mộ quân sĩ dẹp giặc trấn biên, cùng dân làng ổn định cuộc sống. Nhờ tài thao lược “Chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương” của ông mà nhân dân ở đây được an hưởng cuộc sống thái bình, no đủ.

Tri ân công đức của ông, dân làng Ngọc Tiên tôn ông làm Thành Hoàng làng, lập đền thờ và lấy ngày rằm tháng Giêng làm ngày chính kỵ. Vậy nên, hằng năm vào ngày này dân làng Ngọc Tiên lại nổi trống chiêng mở hội, làm lễ tế thần linh cầu một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa...

Sau phần chính lễ, chính hội sẽ là tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng thánh với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Đức Thánh tổ dấy binh, trấn ấp. Hội tái hiện lại cảnh thiếu thốn trăm bề vừa hành quân, vừa lo hậu cần lại phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói.

Điều đặc biệt, trong phần thi đánh lửa, thổi cơm, làm bánh, têm trầu… tuyệt nhiên không có bóng dáng nữ giới, chỉ có trai làng được phép tham gia.

Cứ dịp rằm tháng Giêng, người dân làng Ngọc Tiên lại nổi trống chiêng mở hội, làm lễ tế thần linh cầu một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa

Sau phần Lễ sẽ là phần Hội, hội chính là dịp trai làng trưng trổ tài năng trong phần thi nấu cơm. Trai làng được chọn phải hội tụ đủ các tiêu chí: Tuổi từ 18 trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gia đình văn hóa và không vướng tang ma.

Hội thi thổi cơm diễn ra theo một quy trình khép kín, bắt đầu từ việc đánh lửa từ hai thanh tre bánh tẻ, trước đó đã được gác khô 3 tháng trên gác bếp

Chỉ bằng hai thanh tre cọ vào nhau, lửa đã bùng lên

Vào phần gay cấn nhất là giữ lửa cho gạo được chín. Người thổi cơm, đeo trên vai chiếc cần trúc, uốn cong thành hình chữ S.

Vừa đi, vừa nấu, người thi phải giữ cho niêu cơm cố định, giữ lửa cho cơm chín. Xung quanh là cả đoàn rước khua chiêng, gõ trống tưng bừng

Giã gạo để chuẩn bị mâm cỗ chay gồm 4 loại bánh dâng lên bố cáo Thành Hoàng làng

Những đôi tay thường ngày chỉ quen với cuốc cày trở nên vô cùng khéo léo

Nồi cơm đoạt giải sẽ được chọn để dâng lên bố cáo Thành Hoàng làng. Đặc biệt, trong mâm cơm chay không thể thiếu bốn loại bánh (gồm bánh bìa, bánh ống, bánh phong, bánh giáo) đã được trai làng chuẩn bị kỳ công trong cuộc thi.

Cái hay của Lễ hội nằm ở chỗ, không chỉ tái hiện lại cảnh quân cơ chuẩn bị hậu cần trong cảnh thiếu thốn thủa xưa, mà bởi những đôi bàn tay nam giới thường ngày chỉ quen cuốc cày, bỗng trở nên vô cùng khéo léo.

Đã 30 năm sau khi được khôi phục lại, lễ hội thổi cơm đã trở thành truyền thống, một nét đẹp văn hóa thu hút khách du xuân, vãn cảnh của người dân làng Ngọc Tiên. Cụ Nguyễn Minh Oanh- Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết: “Kể từ khi lễ hội của làng được khôi phục, năm nào những ngày cận rằm dân làng tôi từ già trẻ, gái trai đều vô cùng náo nức. Lễ hội một phần là để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh làng, một phần cũng là để con cháu trong làng có dịp ôn lại truyền thống quê hương”.

Các bài trong cùng chuyên mục :